Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Cách nào để đi giày cao gót an toàn?

Trung bình chỉ một giờ sau khi mang giày cao gót, cơ thể bạn bắt đầu đau đớn. Các tín đồ của giày cao gót thường bị đau bàn chân, mắt cá chân, bắp chân, đầu gối, hông và lưng dưới.

Đi lại khó khăn

Đi lại trên một đôi giày cao gót chẳng khác nào bạn đang đi thằng bằng trên một thanh xà ngang. Giày cao gót không có bộ phận nào để đỡ khi bạn ngã, khiến chân và mắt cá chân ở vào một vị trí không thuận lợi và do đó dễ làm bạn bị mất thăng bằng và bong gân.


Đau lưng

Nếu đi giày cao gót từ 3,3cm trở lên sẽ khiến trọng lực của cơ thể dồn về phía trước lớn do cơ thể lệch về phía trước, muốn giữ được cân bằng, ngực và thắt lưng lại phải ngả về phía sau, như vậy bụng lại ưỡn ra phía trước, và hệ cơ bắp giúp cho việc duy trì độ thẳng của cơ thể sẽ phải co mạnh, khiến cho cơ bắp thêm mệt mỏi. Phần lớn những phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót sẽ khiến cho cơ lưng, eo và hệ dây chằng eo sườn nhão ra, dễ gây nên chứng đau lưng mãn tính và làm đau hông, gối và khớp.

Dễ viêm khớp đầu gối

Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh viêm khớp xương đầu gối mãn tính cao gấp đôi so với nam giới. Khi đi giày cao gót, đầu gối ở tư thế cong, còn xương ống chân lại ở tư thế ngược lại. Tư thế này sẽ tạo áp lực lên phần bên trong đầu gối, là vị trí phổ biến của bệnh viêm khớp xương đầu gối. Nếu bạn đã bị bệnh này thì nên hết sức tránh đi giày cao gót vì chúng làm tăng khoảng cách từ mặt đất tới đầu gối và do đó có thể làm gia tăng hiện tượng xoắn đầu gối.

Mắt cá chân bị ngắn lại

Giày cao gót giới hạn sự chuyển động và sức mạnh của khớp nối mắt cá chân. Các cơ bắp chân bị ngắn lại bởi độ cao của gót giày và sẽ bị mất sức mạnh khi bạn đứng trên mặt đất. Vị trí của mắt cá chân còn có thể dẫn tới hiện tượng gân nối giữa bắp chân với gót chân bị ngắn lại và gây kéo căng cơ liên kết với xương gót chân

Biến dạng bàn chân

Khi đi giày cao gót, trọng tâm dồn về phía trước, phần mũi của bàn chân sẽ thu gọn ở mũi giày, trọng lực toàn thân sẽ dồn hết cả vào mũi bàn chân, khiến cho khớp đốt ngón chân cái và bốn ngón còn lại đều phải duỗi về phía trước với mức độ khác nhau. Kéo dài tình trạng như vậy rất dễ làm biến dạng ngón chân mà vẹo ngón chân cái là điển hình.


Hạn chế khả năng sinh sản

Với việc mang những đôi giày gót nhọn để cao thêm được vài cm, phụ nữ có thể tự làm giảm khả năng sinh nở của chính mình. Các chuyên gia ở Anh quốc đã đi đến kết luận trên sau cuộc nghiên cứu về tác hại của món đồ thời trang này đối với sức khỏe của phụ nữ. Theo đó, những đôi giày gót cao khoảng 5cm cũng có thể trở thành mối đe dọa cho các quý cô muốn làm mẹ vì khi mang nó thường xuyên, áp lực dồn lên phía trước bàn chân có thể làm cho khung xương chậu của họ bị nghiêng sang một bên. Đây là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, đau bụng mỗi khi hành kinh và giảm một số chức năng của bụng, từ đó giảm khả năng thụ thai.

Cách nào để đi giày cao gót an toàn?

Bạn nên hạn chế tối đa việc thường xuyên sử dụng giày cao trên 5 cm. Giảm thiểu thời gian mang giày cao gót và chỉ nên dùng trong những dịp đặc biệt như dự tiệc, gặp gỡ đối tác... Nên chuẩn bị một đôi giày đế bằng ở nơi làm việc để luân phiên thay đổi.

Chọn giày làm bằng chất liệu thoáng khí, có tính năng co giãn tốt. Bạn không nên chọn những đôi giày cao gót quá chật hoặc phần đế giày quá nhọn, quá dốc so với mũi giày vì chúng sẽ không mang lại cho bạn cảm giác thăng bằng và dễ chịu khi vận động. Thậm chí chỉ cần một sơ suất nhỏ trong đi lại cũng có thể khiến bạn dễ dàng bị trẹo mắt cá chân. Khoa học đã chứng minh một đôi giày có chiều cao đế từ 2 - 4cm và đường kính từ 3 - 5cm được xem là đạt mức lý tưởng để bạn tự tin đặt đôi bàn chân xinh xắn của mình.

Nên dùng giày cao gót có quai hậu để giảm thiểu trọng lượng dồn về phía trước. Không nên đi giày cao gót xỏ ngón.

Tận dụng thời gian ngồi tại chỗ để tập thể dục các đầu ngón chân kết hợp với dùng kem massage xoa đều khắp các ngón chân giúp phục hồi.

 Bàn chân cũng cần được tập thể dục đều đặn bằng cách dùng ngón chân nhặt bút chì. Bài tập này không những làm tăng lượng máu lưu thông mà còn giúp ngón chân trở nên linh hoạt hơn sau khi bị bó cứng trong mũi nhọn chật chội.


Dưới đây là bốn điều để chọn một đôi giày phù hợp

- Thứ nhất, Tôn trọng một quy tắc: thà ít giày còn hơn nhiều giày. Thay vì mua nhiều đôi giày thời trang với chất liệu tồi và giá cả phải chăng thì bạn có thể mua một đôi giày đắt đỏ hơn nhưng vật liệu tốt hơn. Nếu bạn có đủ khả năng tài chính, tốt  nhất khi mua giày bạn không nên tiết kiệm mà đầu tư vào giày tốt chất liệu tự nhiên.

- Thứ hai, nếu bạn đang sở hữu một đôi giày với những tính chất dưới đây thì thực sự nó không phải là một đôi giày tốt: chiều cao trên 4-6cm, mũi giày quá nhỏ, chất liệu quá cứng nhắc... Hãy loại bỏ ngay nó ra khỏi tủ giày của bạn.

- Thứ ba, hãy thử giày mới mua vào cuối ngày, khi bàn chân đạt kích cỡ tối đa. Nếu bàn chân cảm thấy chật chội khi thử, bạn hãy yêu cầu mọt kích thước giày lớn hơn bởi vì bạn đừng hy vọng rằng đôi giày sẽ trở nên lớn hơn sau ít ngày sử dụng nhé. Tránh mua giày dép vào buổi sáng vì khi ấy giày có thể quá nhỏ so với kích cỡ thực của chân đấy.

- Thứ tư, hầu hết mọi người đều sở hữu 2 bàn chân không bằng nhay, và vẫn có một bên to bên nhỏ. Do đó, khi thử giày tốt nhất bạn nên thử cả 2 bàn chân để có sự lựa chọn chính xác nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét